Trong những bài trước, Hoàng Kim chúng tôi đã cung cấp các kiến thức tổng quan về chống thấm và tầm quan trọng của chống thấm cũng như các vị trí cần được ưu tiên chống thấm trong xây dựng công trình.
Hạng mục chống thấm quan trọng như vậy nhưng không phải ai cũng nắm rõ quy trình thi công chống thấm như thế nào là đúng tiêu chuẩn cũng như đạt chuẩn kỹ thuật để hiệu quả chống thấm được tối ưu cho công trình xây dựng.
Đối với các vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều như nước ta, chống thấm dột cho các công trình xây dựng luôn là bài toán khó cho tất cả những đơn vị xây dựng. Mọi công trình luôn phải được chống thấm hiệu quả nếu không muốn bị ảnh hưởng bởi nước, hơi ẩm gây hư hại về lâu dài.
Trong bài chia sẻ kiến thức này, Hoàng Kim sẽ cung cấp quy trình thi công chống thấm chuyên nghiệp, phổ biến và hiệu quả nhất, đảm bảo đem lại cho công trình một lá chắn chống thấm vững chãi trước những tác động của môi trường và thử thách của thời gian.
Quy trình chống thấm cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào từng hạng mục công trình và vật liệu được sử dụng, tuy nhiên đều bao gồm các bước cơ bản như sau:
1. Kiểm tra và chuẩn bị bề mặt:
Xử lý và chuẩn bị bề mặt cần chống thấm là bước quan trọng đầu tiên do tuổi thọ lớp chống thấm phụ thuộc phần lớn vào bề mặt đủ tiêu chuẩn để thi công. Bề mặt cần chống thấm cần phải sạch, khô và không có vết nứt. Vì vậy giai đoạn xử lý bề mặt đầu tiên là công đoạn loại bỏ hoàn toàn các vật bám trên bề mặt bê tông, vữa xi măng xây trát còn sót lại, xử lý vết nứt để lớp chống thấm thi công tiếp sau bám dính chắc vào nền.
Các bước vệ sinh bề mặt cần có:
Kiểm tra kỹ bê tông: bê tông mới phải được bảo dưỡng ít nhất 28 ngày, vữa tô trát cần tối thiểu 14 ngày trở lên;
Quét và thu gom sạch các loại rác;
Dùng hóa chất tẩy rửa để xử lý chất bẩn cứng đầu như dầu nhớt, rỉ sét, rong rêu bám trên bề mặt bê tông, xi măng;
Tẩy sạch các vết bẩn bám trên bề mặt sàn bằng máy mài tay, máy công nghiệp gắn lưỡi kim cương, các vết bẩn trên tường bằng đá mài, giấy nhám thô, bùi nhùi sắt…;
Lau khô hết bụi và phun nước áp lực cao xịt rửa sạch bề mặt sàn;
Các thành phần dễ bong tróc và bê tông yếu phải được loại bỏ hoàn toàn và gia cố hoàn chỉnh, các khuyết tật trên bề mặt như các điểm gồ ghề phải được mài phẳng bằng máy mài, sửa chữa làm phẳng bề mặt như trám trét các khe, các lỗ rỗ;
Xử lý vết nứt sàn, vết nứt phần tiếp giáp bê tông dầm, sàn với tường gạch.
2. Lựa chọn vật liệu chống thấm:
Lựa chọn đúng loại vật liệu chống thấm là một bước quan trọng giúp hạng mục chống thấm tối ưu đồng thời gia tăng tuổi thọ cho công trình. Vật liệu chống thấm hiện nay rất đa dạng và phù hợp nhiều mục đích sử dụng, phổ biến có màng khò nhiệt, sơn chống thấm, hóa chất phủ bề mặt... Tùy từng hạng mục chống thấm chúng ta sẽ lựa chọn phương pháp và vật liệu chống thấm khác nhau để mang lại hiệu quả cao nhất.
3. Thi công lớp phủ chống thấm:
Đây là công đoạn chính yếu, ở giai đoạn này chúng ta sẽ thi công vật liệu chống thấm lên bề mặt. Với mỗi loại vật liệu chống thấm sẽ có các cách thi công khác nhau tùy theo đặc tính của vật liệu đó, ví dụ: quét, phun, hoặc lắp đặt màng chống thấm.
Để giúp cố định chắc chắn lớp màng chống thấm với bề mặt chống thấm thì chúng ta nên thực hiện thi công sơn lót, đây là điều cần thiết vì sơn lót như một lớp trung gian giúp phủ mịn bề mặt và gia tăng độ bám dính cho lớp chống thấm khi áp dụng. Nếu không sử dụng sơn lót, chất lượng chống thấm sẽ bị ảnh hưởng, khiến độ bám dính thấp, màng chống thấm bị bong tróc. Tuổi thọ của lớp chống thấm vì thế mà suy giảm, thậm chí là không đạt được hiệu quả chống thấm tối thiểu.
Do mỗi loại vật liệu chống thấm khác nhau sẽ có các cách thi công khác nhau nên trước khi thi công bất kỳ loại vật liệu nào chúng ta cần tham khảo các tài liệu kỹ thuật của sản phẩm một cách kỹ lưỡng trước khi sử dụng. Ví dụ như loại vật liệu gốc xi măng cần được tạo ẩm bão hòa bề mặt trước khi quét, nhưng loại vật liệu gốc polyurethane dung môi lại cần phải khô hoàn toàn. Hoặc đa phần các loại màng chống thấm sau khi thi công đều cần lớp phủ bảo vệ bề mặt, tuy nhiên cũng có một số loại màng sử dụng chống thấm mái có khả năng kháng tia UV nên không cần lớp phủ này…
4. Kiểm tra và nghiệm thu:
Sau khi thi công chống thấm hoàn thành, lớp chống thấm đã khô hoàn toàn, lúc này cần thực hiện kiểm tra hiệu quả chống thấm bằng cách ngâm thử nước trong vòng 48 giờ hoặc lâu hơn. Sau khi có kết quả kiểm tra và xác nhận lớp chống thấm đảm bảo an toàn chất lượng chúng ta mới tiến hành những triển khai những hạng mục khác của công trình như ốp lát, trang trí, sơn sửa,…
Giai đoạn kiểm tra chất lượng thi công chống thấm này vô cùng quan trọng, không thể bỏ qua, cũng không thể rút bớt thời gian kiểm tra. Ở bước này, nếu như kỹ thuật thi công chống thấm xảy ra sự cố chúng ta có thể phát hiện và xử lý kịp thời. Nếu bỏ qua công đoạn này mà chẳng may kỹ thuật thi công mắc sai sót chắc chắn rằng việc khắc phục sửa chữa lại từ đầu không hề dễ dàng. Nó không chỉ tốn công sức, thời gian mà còn mất nhiều chi phí.
5. Bảo dưỡng định kỳ:
Hạng mục chống thấm cũng cần kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo hiệu quả lâu dài và tuổi thọ cho hệ thống chống thấm. Để thực hiện kiểm tra định kỳ cần có kế hoạch theo lịch trình cụ thể trên toàn bộ hệ thống chống thấm, việc này nhằm giúp phát hiện sớm các vấn đề của công trình như các vết nứt, khe hở hoặc khu vực có thể gặp sự hỏng hóc. Từ đó có thể khắc phục sửa chữa nhanh chóng ngay lập tức, tránh sự gia tăng của vấn đề và bảo vệ toàn bộ lớp chống thấm, đảm bảo cho công trình được bảo vệ lâu dài, bền bỉ.
Trên đây là các kiến thức về quy trình thi công chống thấm trong công trình xây dựng, Hoàng Kim hy vọng các thông tin chúng tôi chia sẻ sẽ giúp ích cho các bạn.
Hóa chất Xây dựng Hoàng Kim - Cung cấp các giải pháp hàng đầu về chống thấm, sứ mệnh của chúng tôi là phục vụ khách hàng với giải pháp tối ưu, dịch vụ tốt nhất, sản phẩm chất lượng nhất, giá cả hợp lý nhất.